Bị cáo cho rằng, vị trí của bị cáo tại ACB được thể hiện tại biên bản họp HĐQT của ACB tháng 8/201, chỉ là Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập, có vai trò tư vấn. Việc có thực hiện theo hay không thuộc vào bản lĩnh của HĐQT ACB. Các ý kiến của bị cáo trong 5 năm giữ vi trí Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập, bị cáo luôn có những ý kiến chính xác, đúng pháp luật.
“Hoạt động của ACB minh bạch, công khai, không có hoạt động nào dưới “gầm bàn” – bị cáo Kiên nói.
Thế nhưng, bị cáo cũng thừa nhận “có vị trí rất cao ở ACB” và “có ảnh hưởng”.
Về tội Cố ý làm trái quy định, hành vi ban hành chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền, bị cáo Kiên thừa nhận, có tham dự cuộc họp, biết việc biểu quyết, nhưng bị cáo kiên quyết phủ nhận, không tham gia phần thảo luận, nên không thể có chuyện bị cáo có ý kiến không được giảm lãi suất vì làm giảm tổng tài sản. Từ đó ý kiến của bị cáo trở thành ý kiến chỉ đạo để bị cáo Lý Xuân Hải triển khai.
Theo bị cáo, đây là xâu chuỗi khác nhau, “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.
Nguyễn Đức Kiên cho rằng, vào thời điểm 22/3/2010, việc ủy thác này là không sai pháp luật, không lách luật, chứ không phải biết là sai mà vẫn lách luật.
Nhưng ngay sau đó, bị cáo lại thừa nhận: “Không phải hôm nay, trước vành móng ngựa tôi mới nói các thành viên Thường trực HĐQT sai. Nội bộ ACB đã có 2 cuộc họp để xác định việc này là sai hay đúng. Chúng tôi thảo luận ai sai, mức độ sai thế nào, trách nhiệm ra sao?”
Theo bị cáo, Nghị quyết của Thường trực HĐQT ngày 22/3/2010 là hoàn toàn đúng pháp luật. Nhưng đến năm 2011, khi Luật Các tổ chức tín dụng 2010 có hiệu lực, ngày 28/3/2011, ACB đã họp lại và có chủ trương dừng ủy thác vì có những thay đổi của pháp luật…
Đã có Nghị quyết dừng rồi mà vẫn tiếp tục thực hiện là sai, sai về quy chế nội bộ của ACB. “Tôi đã yêu cầu làm rõ ai là người có trách nhiệm trong việc gửi tiền này? Muốn nói gì thì nói, Thường trực HĐQT với trách nhiệm giám sát thực hiện Nghị quyết đã sai khi không phát hiện kịp thời để xử lý” – bị cáo Kiên nói.
Nguyễn Đức Kiên trình bày chi tiết về tình hình xảy ra lúc đó:
"Khi đó, tôi đưa ra phương án đề nghị hai cách giải quyết. Thứ nhất, tìm ai làm sai, xử lý kỷ luật theo quy chế ACB. Thậm chí, tôi là người đề nghị cách chức anh Hòa (Nguyễn Văn Hòa, Kế toán trưởng). Ý kiến của tôi đưa ra không được các thành viên Thường trực HĐQT đồng tình, vì các anh ấy cho rằng, phải bảo vệ cán bộ trước.
Thứ hai, tôi không đồng ý với các thành viên Thường trực HĐQT về việc ký biên bản HĐQT ngày 7/6/2011 (việc này bị luật sư bảo vệ quyền lợi của VietinBank “tố” là lãnh đạo ACB làm giả giấy tờ-PV). Tôi cho rằng, như thế là làm giả giấy tờ, nhưng các thành viên HĐQT nói rằng, vì làm tài liệu để bảo vệ anh Hòa, theo đề nghị của anh Hòa.
Tôi đề nghị anh Hải (Lý Xuân Hải – PV) hai việc: một là báo cáo việc này lên ĐHCĐ ACB, để ĐHCĐ dùng quyền của mình đưa ra các ứng xử đối với trường hợp nếu làm trái, nếu làm sai có truy cứu trách nhiệm không, truy cứu đến đâu, có truy cứu trách nhiệm với từng cá nhân hay không?
Hai là, tôi đã đề nghị với anh Hải, các anh sai nhưng hãy cho tôi dùng tiền cá nhân của tôi nộp cho ACB, sửa cái sai này, chứ đừng để các anh vi phạm pháp luật.
Anh Hải nói không đồng ý việc lấy tiền của tôi đi sửa sai việc của các anh ấy làm.
Các thành viên Thường trực HĐQT biết sai, biết rõ sai, nhưng cái sai ở đây không phải là cố ý làm trái, mà là không nắm bắt kịp thời các thay đổi của pháp luật dể đưa ra các ứng xử phù hợp. Khi xảy ra sự việc rồi thì không tận dụng tối đa phạm vi thẩm quyền để xử lý từ năm 2011. Nếu các anh nghe theo lời khuyên của tôi thì đã không có sự việc xảy ra ngày hôm nay"
Nguồn tin: tinnhanhchungkhoan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn