Triều Tiên suốt vài tháng nay chiếm trọn bản tin thế giới, đặc biệt là vào mùa hè vừa qua, sau khi tiến hành hai vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và thử hạt nhân lần 6, theo Channel News Asia.
Những cuộc tranh cãi nảy lửa, chỉ trích lẫn nhau liên tục nổ ra giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un càng khiến căng thẳng gia tăng, làm cho không ít người cảm thấy lo lắng trước viễn cảnh một cuộc chiến tranh hạt nhân hay xung đột quân sự có thể nổ ra trên bán đảo Triều Tiên.
Dù gay gắt với Triều Tiên song Tổng thống Mỹ đến nay chưa cho thấy ông có bất kỳ giải pháp hay chiến lược cụ thể nào để xử lý vấn đề. Chính sự do dự, thiếu rõ ràng ở Trump tiềm ẩn nguy cơ khiến ông để mất nhiều đồng minh châu Á - Thái Bình Dương quan trọng, George Friedman, chiến lược gia về quan hệ quốc tế, nhận định.
Thế khó của Nhật
Tại Nhật Bản, liên minh cầm quyền do Thủ tướng Shinzo Abe đứng đầu vừa giành chiến thắng áp đảo tại cuộc bầu cử sớm hạ viện cuối tuần trước. Thắng lợi này đánh dấu sự trở lại đầy ấn tượng của ông Abe, đồng thời tạo điều kiện để ông tiếp tục nỗ lực cải cách kinh tế và thực hiện bước đi gây tranh cãi trong việc xem xét lại hiến pháp hòa bình.
Các tên lửa Triều Tiên bay qua Nhật Bản hồi tháng 7 và tháng 8 cùng thực tế rằng Tokyo không thể kiềm chế chương trình hạt nhân Bình Nhưỡng phần nào đã mang đến nguồn động lực mới cho ông Abe khi mà người dân Nhật Bản ngày càng tỏ ra lo sợ trước viễn cảnh về một cuộc tấn công từ Triều Tiên. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm hơn không nằm ở thành công chính trị của Thủ tướng Abe mà nằm ở khả năng thay đổi vị thế tổng thể của Nhật Bản trong tương lai, Friedman đánh giá.
Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa có chiến thắng vang dội tại cuộc bầu cử sớm hạ viện nước này. Ảnh: AP. |
Việc Mỹ không thể kiểm soát tình hình Triều Tiên cũng đang tạo ra những câu hỏi khó cho Nhật Bản. Một quốc gia được Mỹ đảm bảo an ninh có thể xoay xở để giữ vững hòa bình, nhưng một quốc gia phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu thô nhập khẩu và bị đe dọa bởi một kẻ thù sở hữu sức mạnh hạt nhân thì không, Friedman nhấn mạnh.
Nói cách khác, Nhật Bản không thể nhờ cậy vào Mỹ ngăn chặn Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân mà phải tự cứu mình. Trong khi đó, Triều Tiên vẫn cho thấy họ ngoan cố như thế nào. Bình Nhưỡng nhiều lần khẳng định từ bỏ chương trình hạt nhân không phải lựa chọn đối với họ.
Tuần trước, Triều Tiên đe dọa về một cuộc chiến tranh hạt nhân chống lại Mỹ, đồng thời thề "đè bẹp không thương tiếc cơn thịnh nộ chiến tranh của Mỹ và những con rối Hàn Quốc" nhằm phản ứng trước cuộc tập trận hải quân chung Mỹ - Hàn đang diễn ra.
Giọng điệu hung hăng như vậy đã trở thành nét đặc trưng của Bình Nhưỡng. Nhưng vẫn có những thông điệp liên quan đến cuộc khủng hoảng Triều Tiên không nên bị bỏ qua, theo Friedman.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) mới đây cho biết Triều Tiên có thể sắp sở hữu vũ khí hạt nhân đủ khả năng vươn tới đất liền Mỹ và rằng Tổng thống Donald Trump chắc chắn sẽ không để điều đó xảy ra.
Cam kết của Mỹ ở châu Á
Căng thẳng đang lên ở châu Á là một trong những lý do khiến ông Trump thực hiện chuyến công du tới 5 quốc gia khu vực vào đầu tháng 11, gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.
Chuyến thăm của ông Trump tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines cho thấy Mỹ vẫn duy trì cam kết với châu Á chứ không phải chỉ vì vấn đề Triều Tiên. Song theo Friedman, những tấm hình chụp chung giữa ông Trump với các lãnh đạo khu vực không đủ sức nặng để minh chứng cho cam kết.
Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ muốn biết Mỹ có kế hoạch gì để xử lý cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên. Philippines trong khi đó muốn biết liệu họ có thể nương vào Mỹ để bảo vệ lợi ích của mình hay nên ngồi vào bàn đàm phán cùng Trung Quốc khi có cơ hội.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại Florida hồi tháng 4. Ảnh: Reuters. |
Hiện chưa rõ ông Trump sẽ làm gì khi gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh. Lần gần đây nhất hai người gặp nhau hồi tháng 4, ông Tập đã đồng ý giúp Mỹ kiềm chế Triều Tiên, đổi lại, chính quyền Trump không được công kích các chính sách thương mại của Trung Quốc.
6 tháng sau, vẫn chưa có tiến bộ rõ rệt nào về vấn đề Triều Tiên nhưng giọng điệu chống Trung Quốc của Tổng thống Trump đã không còn. Và nay, theo Politico, Nhà Trắng được cho là đang tiến hành một cuộc đánh giá tổng kết toàn diện về chính sách Trung Quốc.
Hàng loạt đồn đoán đã xuất hiện xung quanh câu hỏi kết quả từ chuyến thăm Trung Quốc của ông Trump sẽ là gì? Nhưng một điều chắc chắn là Mỹ sẽ không thể đạt được điều họ muốn từ Trung Quốc và Trung Quốc cũng không thể cho Mỹ điều họ kỳ vọng.
"Cuộc gặp Trump - Tập không thể tháo gỡ vấn đề. Nếu Mỹ chưa thể xác định rõ ràng phải làm gì với Triều Tiên, chính sách châu Á của Washington vẫn sẽ là con tin trong tay Bình Nhưỡng", Friedman nhận xét. "Cờ sẽ rơi vào tay Trung Quốc và trong tình thế đó, các đối tác của Mỹ buộc phải tìm kiếm những giải pháp thay thế".
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn