Nhà máy mía đường BISUCO hiu hắt sau vụ ép mía 2014. Ảnh: Minh Thùy |
Ông Đỗ Văn Sỹ - Phó chủ tịch UBND huyện Tây Sơn (Bình Định), cho biết lãnh đạo BISUCO đã cam kết trước chính quyền và người trồng mía sẽ hoàn nợ trong vòng 1 tháng tới. 45 tỷ đồng là số nợ BISUCO thiếu của nông dân các vùng nguyên liệu, riêng Bình Định hơn 10 tỷ đồng.
Trước đó, chiều ngày 29/4, UBND tỉnh Bình Định mở cuộc họp với lãnh đạo BISUCO về việc thâm nợ tiền nguyên liệu của nông dân. Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Lê Hữu Lộc yêu cầu nhà máy cam kết bằng mọi cách phải trả hết nợ cho nông dân. Phía nhà máy tha thiết yêu cầu UBND tỉnh Bình Định hỗ trợ trả nợ, tuy nhiên lãnh đạo tỉnh nhất quyết không lãnh nợ thay cho công ty.
BISUCO đã cam kết trả trước cho dân 25 tỷ đồng (ngày 21/5 trả 5 tỷ, 26/5 trả 10 tỷ, 29/5 trả 10 tỷ). Sau khi trả xong 25 tỷ, người dân sẽ giải phóng kho đường cho nhà máy xuất bán tiếp tục hoàn nợ cho dân đến hết ngày 7/6/2014.
Theo lãnh đạo BISUCO, số đường trong kho hiện nay đem bán thu được khoảng 15 tỷ đồng trả nợ cho nông dân. Số còn lại, lãnh đạo nhà máy đang thu gom tại các nhà máy khác của tổng công ty, hứa hẹn hoàn nợ cho nông dân theo đúng cam kết.
Diện tích trồng mía của huyện Tây Sơn vào khoảng 1.500ha, trọng điểm là hai xã Tây Thuận và Tây Giang (800ha). Vụ thu mua bắt đầu từ trước Tết Nguyên Đán 2014 và kết thúc vào khoảng đầu tháng 4. Giá mía được thu mua 800.000 đồng một tấn, sau hơn 1 tháng bán mía, hàng trăm hộ tại huyện Tây Sơn bị thâm nợ từ 10 triệu đến cả trăm triệu.
“Hiện tại, BISUCO còn nợ của tôi 180 tấn mía, với số tiền hơn 150 triệu đồng. Trong đó, có một nửa mía là của gia đình trồng, nửa còn lại tôi thu mua của bà con ở vùng lân cận”, ông Lê Đình Lập, trú xóm 5B, thôn Tả Giang 2, xã Tây Giang bức xúc.
Vùng nguyên liệu mía của BISUCO tại Bình Định là 3.000ha, Gia Lai gần 6.000ha và một phần tại Đồng Xuân (Phú Yên). BISUCO đã bán cổ phần cho nhà đầu tư Ấn Độ.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn