Lăng xê doanh nghiệp kiểu Hàn Quốc

Thứ tư - 10/09/2014 11:44
Có một công thức chung khi các ngôi sao Hàn Quốc đến Việt Nam là chương trình của họ luôn gắn liền với một thương hiệu đình đám đang muốn khuếch trương tới người tiêu dùng.
Beyond là một thương hiệu bắt đầu cho xu hướng này vào đầu năm nay khi tận dụng sức hút của Kim Soo Hyun – diễn viên chính trong bộ phim đình đám “Vì sao đưa anh tới”. Tháng 4/2014, trong sự kiện ra mắt sản phẩm mỹ phẩm thân thiện với môi trường, hãng không ngại chi một khoản tiền lớn để đưa ngôi sao này tới Việt Nam.

Nhắm đến đối tượng nam, nữ từ 18 đến 30 tuổi, hãng mỹ phẩm Hàn Quốc đã đánh trúng tâm lý khách hàng trong truyền thông và tiếp thị sản phẩm. Để gặp mặt được thần tượng của mình và tham gia buổi họp mặt fanclub, khách hàng phải sử dụng sản phẩm với giá trị hóa đơn từ 500.000 đồng trở lên. Ngoài ra, để được chụp ảnh và nhận chữ ký của Kim Soo Hyun, khách hàng phải mua sản phẩm từ 1,5 triệu đồng mới sở hữu được vé VIP. Tổng cộng 2.500 vé của buổi họp fan đã được mua sạch chỉ sau vài giờ.

sao-Han_1410258205.jpg

Để được chụp ảnh và nhận chữ ký của Kim Soo Hyun, khách hàng phải mua sản phẩm từ 1,5 triệu đồng trở lên mới sở hữu được vé VIP

Xu hướng sử dụng hình ảnh sao Hàn và đưa họ về Việt Nam cũng lan sang ngành hàng ăn uống. Mới đây, để đánh dấu sự có mặt tại Việt Nam, Caffe Bene đã không ngần ngại mời người mẫu, diễn viên Lee Yong Suk xuất hiện trong buổi khai trương cửa hàng đầu tiên tại góc đường Đồng Khởi - Mạc Thị Bưởi, quận 1. Đây là một trong những diễn viên nam sở hữu lượng fan đông đảo nhất tại Hàn Quốc và nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

Sức hút của Lee Yong Suk đã tạo nên một buổi khai trương hoành tráng khi đông đảo các fan xếp hàng dài để chờ đợi. Ông Trương Tuấn Anh, Phó giám đốc Caffe Bene tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi lựa chọn Lee Yong Suk vì anh ấy là một trong 4 ngôi sao hiện có sức hút đối với giới trẻ. Anh ấy vài lần có kế hoạch đến Việt Nam nhưng không thành. Tận dụng điều này, Caffe Bene muốn trở thành đơn vị đầu tiên mời Lee về Việt Nam”. Tất nhiên, doanh nghiệp mua nhượng quyền thương hiệu cà phê từ Hàn Quốc đã phải bỏ ra tiền tỷ để ký được hợp đồng với sao này.

Chọn đối thủ trực tiếp là Starbucks với phân khúc giá cao và địa điểm đắc địa trong trung tâm Sài Gòn, Caffe Bene xây dựng kế hoạch sẽ mở rộng hệ thống với 300 cửa hàng trong vòng 5 năm và cụ thể năm tới sẽ có 27 cửa hàng.

Doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản cũng không bỏ qua chiêu dùng người nổi tiếng câu khách. Chủ đầu tư dự án Lotte Center Hà Nội vừa qua cũng mời nhóm nhạc SNSD đến giao lưu trong buổi khai trương tòa nhà vào ngày 2/9 với mục đích thu hút đông đảo người đến dự. 

sao-Han-2-final.jpg

Nhóm nhạc SNSD giao lưu trong buổi khai trương tòa Lotte Center Hà Nội

3 thành viên vắng mặt, nhưng buổi giao lưu của nhóm nhạc KPop nổi tiếng này tại sảnh tầng một của trung tâm thương mại Lotte Department Store vào lúc chiều muộn vẫn thu hút rất nhiều người. Số đông trong độ tuổi teen sẵn sàng đội mưa gió đứng chờ hàng giờ để được gặp mặt thần tượng.

SNSD chỉ đến giao lưu thay vì biểu diễn, song chiêu dùng người nổi tiếng để thu hút khách của tòa nhà thuộc dạng chọc trời ở Hà Nội được giới kinh doanh bất động sản đánh giá cao. Một lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc nhận định cách làm của chủ đầu tư dự án Lotte Center Hà Nội rất thông minh. Ông phân tích, trung tâm thương mại này được hướng đến đối tượng những người trẻ tuổi, nên doanh nghiệp đã bắt đúng xu thế này. "Phần thông tin khai trương tòa nhà có thể không hấp dẫn bằng việc nhóm Kpop đến giao lưu, bởi vậy chủ đầu tư phải nghĩ ra cách làm để đánh đúng tâm lý giới trẻ”, ông nhận định.

Trước đó, vào tháng 3/2013, chủ đầu tư tòa tháp cao nhất Việt Nam Keangnam đã tạo cơn sốt khi đưa hơn 20 sao Hàn đến trong 4 ngày để quay gameshow truyền hình Let’s Go Dream Team của kênh KBS, góp phần khuếch trương làn sóng Hallyu (văn hóa Hàn) tại Việt Nam.

Ông Phạm Việt Anh, Chủ tịch Công ty Lef Brain Connectors nhận định việc dồn dập đưa các sao Hàn đến Việt Nam từ đầu năm đến nay là cách làm “nhất cử lưỡng tiện”, cũng có thể coi là một chiến lược quốc gia của Hàn Quốc khi đưa văn hoá gắn liền với sản phẩm tới người tiêu dùng một cách có chủ đích vì nơi đây có một lượng fan hùng hậu về phim ảnh, âm nhạc, thời trang...

Theo ông Việt Anh, phong trào đưa các ngôi sao giải trí vào Việt Nam từng được Hong Kong, Đài Loan áp dụng khi trào lưu điện ảnh, âm nhạc từ 2 thị trường này làm mưa, làm gió thập niên 90. Nhưng họ đã không biết cách phát triển văn hoá song hành cùng thị trường, trong khi Hàn Quốc đưa sao đến Việt Nam không phải để bán vé, mà luôn gắn chặt với các thương hiệu sản phẩm điện tử, mỹ phẩm, thời trang… Chính sách này được Chính phủ Hàn Quốc đứng đằng sau hậu thuẫn, nhất là với những thương hiệu đã mang tầm quốc tế, rồi từ đó đưa nó đến nhiều thị trường trọng điểm trên thế giới.

Chuyên gia thương hiệu này nhận định đây là một chính sách cộng sinh giữa văn hoá và kinh tế. Muốn làm được thì một thương hiệu quốc tế phải đảm bảo 3 tiêu chí: Thương hiệu hàng đầu của quốc gia; mang được bản sắc văn hóa của quốc gia; được hậu thuẫn của chính phủ

Ông Việt Anh cũng cho biết thêm, thế hệ đầu tại Việt Nam chịu ảnh hưởng trào lưu văn hóa gắn liền với sản phẩm của Mỹ, Pháp. Tiếp đến là Hồng Kông, Đài Loan, và bây giờ là Hàn Quốc.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Bạn cần hỗ trợ?